Quyết định táo bạo
Đào Thị Hồng Nhung sinh năm 1992 ở TP. Thái Nguyên, trong một gia đình làm nghề chè truyền thống hơn 35 năm, với vùng nguyên liệu tại xã Phúc Trìu, Tân Cương, TP. Thái Nguyên.
Công việc làm chè của gia đình khá thuận lợi cho đến khi dịch Covid-19 ập đến, việc giao thương trao đổi buôn bán gặp khá nhiều khó khăn. Cách làm chè truyền thống không còn mang lại nhiều hiệu quả.
Bà Vũ Thị Hồng Vân, mẹ của Hồng Nhung, chia sẻ, “Nhiều lúc gia đình tôi muốn dừng lại nghề, vì tuổi cũng đã cao, nhà chúng tôi có ba cháu nhưng tôi đều cho các cháu đi học và làm kinh tế khác. Làm chè như bố mẹ thì quá vất vả, mà nhìn thấy thị trường phát triển nhưng chúng tôi có tuổi rồi không còn theo kịp”.
Không đành lòng để thương hiệu trà 35 năm của bố mẹ thụt lùi, cô gái trẻ Hồng Nhung quyết định động viên mẹ nâng tầm cơ sở kinh doanh sản xuất chè Vân Dũng lên thành mô hình hợp tác xã. Thay đổi cách kinh doanh để theo kịp xu thế, duy trì thương hiệu trà Vân Dũng, tạo công ăn việc làm cho hàng chục hộ gia đình tại vùng nguyên liệu với thu nhập ổn định, đời sống ngày càng được nâng cao.
Khó khăn không làm nản lòng
Sau khi thành công trong việc vận động bố mẹ nâng cơ sở sản xuất lên thành hợp tác xã, Hồng Nhung chia sẻ đã vấp phải ngay những khó khăn ban đầu. Thứ nhất là dịch Covid-19 với thời gian giãn cách xã hội khá dài, khiến cho việc buôn bán giao thương khó khăn, các đơn hàng đi các tỉnh trong cả nước đều bị đình trệ. Thứ hai là việc nâng lên thành hợp tác xã làm chi phí đầu tư ban đầu tăng cao khi nhà xưởng, hệ thống tưới tiêu, hệ thống máy móc đều phải mua mới. Cộng thêm với việc cách thức kinh doanh cũng dần thay đổi, bán hàng trên mạng, thương mại điện tử, làm truyền thông trên mạng xã hội… ai làm và làm như thế nào. Đó là những câu hỏi quẩn quanh trong đầu cô gái trẻ.
Nhưng bằng sự quyết tâm và cách làm sáng tạo, Hồng Nhung đã tự tìm cho mình những cách đi riêng. Đầu tiên, khi ý tưởng thành lập hợp tác xã, Nhung đã nhận được sự ủng hộ của các ban ngành địa phương nhưng Phòng Kinh tế, phòng Nông nghiệp của Thành Phố Thái Nguyên, chính quyền địa phương xã Phúc Trìu nơi đặt vùng nguyên liệu của hợp tác xã.
Tiếp theo, Hồng Nhung đã phải mất hơn ba tháng để tạo ra bộ nhận diện Trà Vân Dũng, và các bao bì sản phẩm. Nhung cho rằng cần phải có bộ nhận diện thương hiệu thật chuẩn chỉ thì mới có thể định vị chính xác và hiệu quả thương hiệu chè Thái Nguyên.
Và cuối cùng cô kết hợp mô hình kinh doanh truyền thống lẫn hiện đại để nhanh chóng tạo ra doanh thu. Một mặt vẫn giữ các đầu mối giao chè thương phẩm truyền thống ở khắp các tỉnh thành trong cả nước. Mặt khác tìm thêm các phương thức kinh doanh số như: Lập fanpage, bán hàng qua Zalo, Facebook, các sàn Thương mại điện tử…
Đặc biệt Hồng Nhung rất thành công với cách marketing truyền miệng, trực tiếp đưa sản phẩm Trà Vân Dũng đến với các sự kiện nông nghiệp lớn của Tỉnh, quà biếu dịp lễ Tết… đồng thời rất coi trọng việc tư vấn cho khách hàng về các loại chè, chất lượng chè với mục tiêu để khách hàng giới thiệu khách hàng.
“Trái ngọt” cho những nỗ lực
Chỉ sau gần 2 năm xây dựng hợp tác xã và định vị lại thương hiệu Trà Vân Dũng, Thái Nguyên, Hồng Nhung đã bước đầu gặt hái được những thành công. Đa dạng hoá được sản phẩm trà, từ Trà Đinh, Tôm nõn, Tứ Quý, Trà bao cấp, Mộc trà… đem lại nhiều sự lựa chọn chất lượng cho người tiêu dùng. Doanh thu có chuyển biến ấn tượng. Theo Hồng Nhung, năm 2021 mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid nhưng với sản lượng thu mua và bán hàng khoảng hơn 60.000 tấn.
Vùng nguyên liệu liên tục được mở rộng với gần 50 hộ gia đình tham gia hợp tác xã, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.
Anh Lê Văn Thịnh, sinh năm 1987, một trong những hộ gia đình tham gia Hợp tác xã cho biết, “Trước đây làm công nhân thu nhập cũng có, nhưng từ ngày xảy ra dịch Covid-19, công việc không đều. Nhưng từ khi về tham gia hợp tác xã Trà Vân Dũng, công ăn việc làm ổn định, thu nhập từ 10-12 triệu đồng/ tháng, giá thu mua chè được đảm bảo. Được hợp tác xã hỗ trợ về máy móc, chăm bón, thu hoạch nên chất lượng chè được đảm bảo, được bao tiêu đầu ra, nên tôi đã vận động vợ đang làm công nhân về tham gia nghề làm chè truyền thống của gia đình”.
Theo ông Lê Khương Duy, chủ tịch UBND xã Phúc Trìu, hợp tác xã Trà Vân Dũng là một trong 5 hợp tác xã chủ lực trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương.Tạo công ăn việc làm cho gần 20 lao động và thu mua nguyên vật liệu của khoảng 50 hộ gia đình trong toàn xã Phúc Trìu, hàng chục lao động có thu nhập trung bình ổn định từ 10-12 triệu đồng/tháng. Bức tranh kinh tế nông nghiệp tại địa phương khởi sắc, việc sản xuất chè được nâng lên thành quy trình.
“Cây chè đối với nhân dân xã Phúc Trìu bây giờ đã không còn là cây công nghiệp xoá đói giảm nghèo, mà là cây làm giàu” ông Duy khẳng định.
Còn với Hồng Nhung, cô gái trẻ tâm huyết với mục tiêu định vị lại thương hiệu Trà Vân Dũng khẳng định, “Em muốn mang đến thị trường những sản phẩm chè tốt nhất, chất lượng luôn được coi trọng hàng đầu, đảm bảo ổn định giá cả thị trường. Áp dụng công nghệ QR code trên mỗi sản phẩm để khách hàng dễ dàng truy được nguồn gốc, xuất xứ, giấy phép. Tạo sự tin tưởng hơn nữa của khách hàng với Trà Vân Dũng nói riêng và thương hiệu Trà Thái Nguyên”.
“Đặc biệt, trong lòng em luôn mong muốn mang lại giá trị cao hơn nữa cho sản phẩm Trà Thái Nguyên và những hộ gia đình làm chè, để nâng cao đời sống, mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân vùng nguyên liệu”, 9X tâm sự.
Ngọc Minh